Ứng dụng trong đo liều phóng xạ
Các vật liệu thể hiện tính chất nhiệt phát quang thường được ứng dụng để làm thiết bị đo liều bức xạ (gọi tắt là liều kế). Với ưu điểm nhỏ gọn, độ nhạy cao, ít chịu tác động của môi trường và khả năng lưu giữ thông tin tốt, các liều kế nhiệt phát quang là lựa chọn hàng đầu cho các ứng dụng trong đo liều y tế, đo liều cá nhân và môi trường. Liều kế nhiệt phát quang có thể ở rất nhiều dạng khác nhau, phụ thuộc vào đối tượng sử dụng.
Các ứng dụng của liều kế trong y tế
Ở Việt Nam, mặc dù nhu cầu về liều kế dùng trong xạ trị, đo liều cá nhân và môi trường ngày càng cao nhưng những nghiên cứu về vấn đề này còn ít được chú trọng. Với hơn 2000 cơ sở chụp X quang và gần 200 cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ trong cả nước thì vấn đề an toàn bức xạ là không thể xem nhẹ.
Theo thông báo của chương trình Quốc gia “Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong xạ trị ung thư”, mỗi năm Việt Nam có khoảng 70 – 100 ngàn bệnh nhân ung thư; đa số phải điều trị bằng tia xạ. Nhưng cho đến nay ngay cả các trung tâm điều trị ung thư lớn như bệnh viện K-Hà Nội, bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh cũng không thể trang bị các hệ thống đo liều để kiểm tra chính xác sự phân bố liều chiếu xạ trên cơ thể bệnh nhân.
Thống kê của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC) cũng cho thấy hiện nay tại Việt Nam có khoảng 10.000 người thường xuyên làm việc và tiếp xúc với các nguồn phóng xạ và tia X trong bệnh viện và trong công nghiệp. Việc kiểm tra bằng các liều kế cá nhân và các liều kế nhiệt phát quang đối với họ là thích hợp nhất.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương pháp đo liều hiện nay ở Việt Nam là khá hạn chế bởi giá nhập ngoại các trang thiết bị khá cao. Mỗi viên liều kế LiF (loại được sử dụng rộng rãi nhất trong y tế) có giá khoảng 5 USD. Mỗi liều kế cá nhân (cassette) có giá khoảng 100 USD. Để khắc phục tình trạng khó khăn trên, một số nhóm nghiên cứu ở Việt Nam đã cố gắng nghiên cứu và tự chế tạo các liều kế nhiệt phát quang, trong đó Phòng Quang phổ ứng dụng và Ngọc học của Viện Khoa học vật liệu là một trong những đơn vị đầu tiên nghiên cứu chế tạo các vật liệu nhiệt phát quang. Cho đến nay phòng này đã đưa ra được công nghệ chế tạo các vật liệu có tính chất nhiệt phát quang tốt, có thể sử dụng làm liều kế như CaSO4:Dy3+, Li2B4O7:Cu, LiF:Mg,Ti…
Máy đọc Harshaw TLD-3500 và các sản phẩm liều kế cá nhân của phòng thí nghiệm Quang phổ ứng dụng và Ngọc học – Viện Khoa học vật liệu
nguồn "Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam"