Nhiều vụ thất lạc nguồn phóng xạ từng xảy ra tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
23.12.2003: Nhà máy xi măng Việt Trung
Công ty Cổ phần Xi măng Việt Trung (thôn Cổ Động, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là một đơn vị sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng, dây chuyền sản xuất đồng bộ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Dây chuyền sản xuất này có sử dụng nguồn phóng xạ Cs-137 để đo và phục vụ việc xả tự động clinke. Ngày 23.12.2003, nguồn phóng xạ nói trên của công ty đã bị mất.
Cho đến nay, việc tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ này vẫn chưa đạt kết quả. Theo báo cáo của đoàn khảo sát, tìm kiếm nguồn trong các ngày 7 và 8.7.2004, nguồn phóng xạ không còn được cất giấu trong khu vực nhà máy của công ty và các khu vực lân cận; môi trường tại các khu vực đó và 9 cơ sở thu mua phế liệu kim loại, sản xuất, chế biến sắt thép tại huyện Thanh Liêm chưa bị nhiễm bẩn phóng xạ.
26.5.2004: Viện Công nghệ Xạ hiếm (Hà Nội)
Trong quá trình sửa chữa tại Viện Công nghệ Xạ hiếm Hà Nội, ngày 26.5.2004 một công nhân đã lấy trộm một chiếc hộp sắt đem bán cho cửa hàng phế liệu trên đường Bạch Đằng (Hà Nội). Chiếc hộp này chứa 54,8 miligram hợp chất có tính phóng xạ, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người liên quan.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, chiếc hộp này đã được một người thu mua với giá 25.000 đồng, sau đó đập vỡ ra để lấy phế liệu.
17.5.2006: Viện Công nghệ Xạ hiếm (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam)
Vào ngày 17.5.2006, gian tầng 6 của Viện Công nghệ Xạ hiếm (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) được sửa chữa nên chuyển nguồn phóng xạ sang gian bên cạnh. Đến 14h ngày 29.5, cơ quan này phát hiện nguồn đồng vị phóng xạ đã biến mất. Rất may, nguồn phóng xạ này sau đó được thu hồi.
7.2006: Nhà máy Xi măng Sông Đà
Sự việc diễn ra vào tháng 7.2006, khi Nhà máy Xi măng Sông Đà đang tháo phần thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng ra sửa chữa. Tuy nhiên, đến ngày 8.8, công ty mới phát hiện hộp đựng nguồn phóng xạ Cs-137 trong thiết bị này bị mất.
Đến nay vẫn chưa có thông tin thu hồi được, nhưng công ty đã bị xử phạt 40 triệu đồng.
28.12.2007: Công ty TNHH Alpha
Công ty TNHH Alpha (nhà thầu phụ của PTSC M&C, chịu trách nhiệm chụp ảnh phóng xạ kiểm tra các mối hàn tại giàn BOD) đã phát hiện bị mất nguồn phóng xạ trong khoảng thời gian từ 11h30 - 13h ngày 28.12.2007.
Trong khoảng thời gian đó đang có khoảng 500 công nhân thi công giàn khoan. Tuy nhiên đến khoảng 15h cùng ngày, công ty Alpha mới báo với Phòng An toàn của Công ty PTSC M&C về sự cố. Ngay lập tức, công ty đã thông báo tất cả công nhân dừng làm việc, phong tỏa khu vực và sơ tán mọi người để tìm kiếm nguồn phóng xạ. May mắn là nguồn phóng xạ thất lạc đã được tìm thấy sau đó không lâu.
9.2014: Công ty Apave
Hình ảnh của thiết bị chụp ảnh xuyên thấu có chứa chất phóng xạ, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cung cấp cho báo chí để kêu gọi tìm kiếm sau khi bị mất cắp.
Người dân TP.HCM từng có một phen hốt hoảng khi hay tin một nguồn phóng xạ chứa đồng vị Ir-192 bị mất cắp vào tháng 9.2014. Nguồn phóng xạ này được sử dụng trong một thiết bị chụp ảnh xuyên thấu của công ty Apave.
Sau 6 ngày truy tìm, từ nguồn tin của quần chúng, thiết bị được phát hiện tại một phòng trọ nằm trong hẻm 111 đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM. Các cơ quan chức năng đã phong tỏa, thu hồi được thiết bị an toàn trong sự mừng vui của hàng nghìn người dân xung quanh.
Theo lời khai của hai kẻ trộm thiết bị chứa chất phóng xạ, do tưởng là máy bơm nước nên trộm về bán lấy tiền. Sau khi đem bán tại một vựa phế liệu gần nhà mà không được giá thì cả hai mang về lại phòng trọ cất giấu.
3.2015: Nhà máy Xi măng Pomina 3
Lực lượng chức năng đang dùng các thiết bị chuyên dụng để dò tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy thép Pomina 3 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 4.2015. (Ảnh: Lê Mai)
Đây cũng là một vụ mất nguồn phóng xạ làm xôn xao dư luận. Vụ việc xảy ra tại Nhà máy Xi măng Pomina 3 (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cụ thể, khoảng giữa tháng 3.2015, khi bàn giao tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ, nhà máy phát hiện một nguồn phóng xạ chứa đồng vị Co-66 dùng để đo mức thép bị thất lạc.
Ngay lập tức, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã được triển khai với sự tham gia của Sở Khoa học và Công nghệ, Cơ quan An ninh Điều tra (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Cục An toàn bức xạ,… Phạm vi tìm kiếm thậm chí được mở rộng sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Theo Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, nguồn phóng xạ được phân thành 5 loại như sau: - Nguồn loại I: Nguồn loại này cực kỳ nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong vài phút. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài phút đến một giờ. - Nguồn loại II: Nguồn loại này rất nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian ngắn từ vài phút đến vài giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người nếu tiếp xúc trong khoảng vài giờ đến vài ngày. - Nguồn loại III: Nguồn loại này cũng nguy hiểm cho con người. Nguồn loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh sẽ gây tổn thương lâu dài cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ. Nguồn phóng xạ loại này có thể gây chết người, tuy nhiên với xác suất rất thấp, nếu tiếp xúc trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần. - Nguồn loại IV: Nguồn phóng lại loại này có xác suất thấp gây nguy hiểm cho con người. Xác suất thấp là nguồn phóng xạ loại này có thể gây tổn thương lâu dài cho con người. Tuy nhiên, nguồn phóng xạ loại này nếu không được quản lý an toàn và bảo vệ an ninh thì cũng có thể, mặc dù xác suất thấp, gây tổn thương tạm thời cho con người cầm nó hay tiếp xúc với nó trong thời gian nhiều giờ hay ở gần nó trong nhiều tuần. - Nguồn loại V: Phần lớn là không nguy hiểm cho con người. Không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này. |