Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Bộ KH&CN cho biết, hiện tại Việt Nam có 600 cơ sở sử dụng và khoảng 5.000 nguồn phóng xạ (NPX) và những NPX này được sử dụng rất gần gũi với tất cả người dân. NPX ở Việt Nam sẽ tăng đột biến trong những năm tới bởi công nghiệp phát triển thì không thể không có NPX. Tính đến nay, có 56/63 tỉnh/thành phố triển khai thanh tra chuyên đề theo Công văn số 1103/BKHCN-Ttra ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN gửi UBND các tỉnh, thành phố.

Một số địa phương đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Thanh Hóa, Hải Phòng... Ngoài áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng NPX; buộc bổ nhiệm người phụ trách an toàn...


Về công tác quản lý đối với NPX theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý thì cũng có những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ trong công tác quản lý NPX hiện nay.


Cụ thể, chưa có quy định cụ thể việc lưu giữ tạm thời, nơi cất giữ NPX đối với từng trường hợp cụ thể khi tạm ngừng sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; chưa quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về bảo đảm an ninh NPX, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố mất an ninh NPX; số lượng cán bộ biên chế có chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh NPX còn hạn chế. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế nhưng chưa có biện pháp thích hợp để quản lý, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời.


Nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo khả năng kiểm soát được việc sử dụng, quản lý NPX, tránh nguy cơ mất an ninh nguồn dẫn đến mất NPX gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và xã hội, Bộ KH&CN kiến nghị sự phối hợp giữa các cấp, ngành để kiểm tra an toàn bức xạ hạt nhân và an ninh phóng xạ. UBND các địa phương cần chỉ đạo tăng cường thanh kiểm tra về an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn.


Bộ KH&CN sẽ đề xuất sửa đổi văn bản chính sách trong Luật Năng lượng nguyên tử về trách nhiệm đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp phép tiến hành công việc bức xạ.


Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ định kỳ hàng năm gửi về cơ quan quản lý không trung thực; chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh./.


BL

theo dangcongsan.vn