"Giá trị của nguồn phóng xạ chỉ vài triệu đồng nên tôi nghĩ không có chuyện lấy trộm để sử dụng, vì nếu muốn phải có giấy phép. Cs-137 có kích thước nhỏ đặt trong bình chứa bằng chì nên có thể đối tượng đã lấy bán phế liệu, vì chì còn đắt hơn", ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) nói tại buổi họp báo thường kỳ ngày 7/1.
Ông Tấn cho biết, lực lượng chức năng đã tìm đến cơ sở thu mua phế liệu, điểm đúc chì, tái chế sắt thép để tìm bằng thiết bị hiện đại nhưng vẫn chưa thấy. Đợt tìm kiếm này kéo dài trong một tháng.
Trước đó, phát hiện nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất cắp, nguyên giám đốc Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn đã báo cáo lên Sở Khoa học và Công nghệ. Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn không gây nguy hiểm cho con người.
Liên quan đến việc lưu giữ phóng xạ, lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết Việt Nam có 3 cơ sở. Đơn vị đang kiến nghị với Chính phủ và đã được đồng ý về việc nâng cấp các kho lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Bộ Tư lệnh hóa học. "Chúng tôi sẽ cố gắng trong năm nay thu hết các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng còn lưu giữ ở các cơ sở", ông Tấn nói.
Tháng 9/2015, một công ty tại TP HCM bị trộm thiết bị chụp ảnh NDT có chức năng chụp ảnh xuyên thấu (NTD), chứa nhiều chất phóng xạ, trong đó nguy hiểm nhất là chất Iridium 192, có thể khiến người nhiễm bị bỏng, nhiễm độc và chết. Kẻ trộm đã lấy để bán đồng nát.
-copy from Vnexpress